Chăm sóc răng miệng theo cách… rước thêm bệnh

PGS.TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội răng hàm mặt (RHM) Việt Nam, GĐ Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội cho hay theo thống kê của Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội tháng 7/2011, trên 90% người Nam có vấn đề về sức khỏe răng miệng. Tập trung ở các bệnh như sâu răng, viêm nướu (viêm quanh răng) khi có đến 75% dân số bị sâu răng vĩnh viễn. Trong đó có đến 85% trẻ em trong độ tuổi 6 - 8 bị sâu răng; 93,3 đến 98,3% người lớn có bệnh quanh răng.

Ông Hải nhấn mạnh hầu hết người dân khi mắc các bệnh về răng miệng đều không được điều trị kịp thời. Phân lớn họ tìm đến phòng khám khi đã ở tình trạng đau nhức, viêm mủ…

Việc sử dụng nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ sâu răng.

Theo ông Hải có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên phải kể đến tỷ lệ nồng độ Fluor trung bình trong nước rất thấp. Bên cạnh đó, mức độ tiêu thụ đường của người Nam tăng rất nhanh - năm 1990 trung bình mỗi người dân sử dụng 6,5kg đường/năm, năm 2000 là 13kg và hiện nay xấp xỉ gần 20 kg đường/năm/người - dẫn đến các bệnh về răng, nhất là sâu răng.

Ngoài ra, người dân chưa có thói quen chăm sóc răng miệng tốt - thậm chí nhiều người còn chăm sóc theo cách có hại - làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

TS Ngô Đồng Khanh, Chủ tịch hội RHM TPHCM cho hay, ở nhiều nước khu vực Châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam rất đông người dân vẫn có thói quen dùng tăm xỉa răng sau mỗi bữa ăn theo cách đẩy, chọc mạnh vào các kẽ răng với mục đích là lấy thức ăn thừa và các mảng bám nhưng điều này chỉ gây hại thêm cho sức khỏe răng miệng.

“Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang đẩy thức ăn vào sâu hơn vào chân răng. Ngoài ra, đầu tăm xỉa răng rất cứng có thể làm mòn kẽ răng và gây ra thưa các kẽ răng, tạo các kẽ hở giữa các răng. Kẽ hở ngày càng lớn thì càng dễ để “nhồi nhét” thức ăn làm hại răng. Chỉ nên dùng tăm để khều, lẩy thức ăn một cách thật nhẹ nhàng để không làm tổn thương kẽ răng”, TS Ngô Đồng Khanh cho hay.

Theo các chuyên gia, giải pháp làm sạch răng cần đánh răng, kèm với sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch các mảng bám. Tuy nhiên ông Khanh cung cấp, việc sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm ở Việt Nam hiện nay thấp, ngay ở các thành phố lớn chỉ 4 - 5% người dân sử dụng chỉ nha khoa, các vùng nông thôn còn thấp hơn nữa, rất nhiều người dân chưa biết “mặt mũi” chỉ nha khoa như thế nào. Ngoài nhận thức chưa đầy đủ trong việc chăm sóc răng miệng thì việc sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng có phần phức tạp kèm chi phí cao nên nhiều dân vẫn còn ngại ngần.