Để răng của trẻ không mọc lệch lạc, phụ huynh thường cho trẻ chỉnh nha rất sớm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân (BN) sau khi chỉnh nha ở các phòng mạch tư không uy tín bỗng…
"Nhân viên của một phòng khám nha trên đường CQ, Q.1, TP.HCM đã hướng dẫn chúng tôi cách tránh hô răng cho trẻ sáu tuổi mà không cần phải niềng răng, là chỉ cần “đeo khí cụ chỉnh nha tự tháo sẽ tạo ra một lực thường xuyên lên những răng nằm sai lệch, giúp sắp xếp răng đúng vị trí. Khí cụ này được làm từ nhựa silicon hoặc polyureton, được sử dụng cho tất cả trẻ từ 6 - 11 tuổi, rất hiệu quả”. Một số phòng mạch còn hạ giá cho dụng cụ tiền chỉnh nha còn vài trăm nghìn , phụ huynh thấy rẻ liền mua về cho con, để rồi mất tiền mà trẻ vẫn bị hô.
Dụng cụ tiền chỉnh nha này không chỉ được bán ở các phòng mạch mà còn có thể tìm thấy ở các cơ sở bán thiết bị y tế. Khi chúng tôi ghé cơ sở bán thiết bị y tế T.M. (Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM) để mua dụng cụ niềng răng cho trẻ sáu tuổi, một nhân viên ở đây đem ra tư vấn: “Anh cho bé đeo vào ban đêm sẽ giúp tránh được răng bị hô, lệch lạc. Bộ dụng cụ này dành đeo cho trẻ từ 6 - 10 tuổi”. Khi chúng tôi hỏi kỹ, có phải trẻ nào bị hô đeo vào cũng hết, nhân viên ở đây nói bâng quơ: “Tùy mỗi bé, có bé hết, bé không”.
BS Sơn - BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM - giải thích, vai trò của dụng cụ tiền chỉnh nha nhằm giúp trẻ loại bỏ các thói quen xấu (mút ngón tay, thở miệng…), giúp đặt lưỡi đúng vị trí, hỗ trợ xương hàm trên và xương hàm dưới phát triển đúng, mọc răng đúng; từ đó, góp phần giúp việc điều trị chỉnh hình sau này trở nên đơn giản hơn, chứ không phải đeo dụng cụ tiền chỉnh nha là không điều trị nữa. Ngoài ra, tác dụng của việc đeo khí cụ tiền chỉnh nha còn tùy thuộc vào sự hợp tác tốt của bé và phải theo đúng chỉ định của BS. Tùy mức độ trầm trọng của sai lệch răng và sai lệch xương hàm mà các BS sẽ theo dõi, chụp phim, đo đạc và lên kế hoạch điều trị cụ thể. BN có thể được điều trị chỉnh hình răng đơn thuần hoặc kết hợp phẫu thuật nếu cần thiết. Vì chỉnh hình răng mặt là một chuyên khoa phức tạp, nên yêu cầu các BS phải được đào tạo, nắm vững kiến thức, kỹ năng lâm sàng và có kinh nghiệm điều trị mới thực hiện thành công.
Ngoài việc không tư vấn kỹ dụng cụ tiền chỉnh nha cho người bệnh, một số phòng nha chỉ có chức năng nhổ răng nhưng đảm nhiệm cả niềng răng, khiến BN bị các biến chứng như cười lộ nướu, tiêu chân răng…
Theo các BS BV Răng Hàm Mặt , những trẻ bị hô do xương hàm gây ra, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn xương chứ không chỉ niềng răng như các trường hợp hô răng thông thường.
BV Răng Hàm Mặt TP vừa tiếp nhận BN Tr.T.V., 20 tuổi, bỗng rụng hết răng sau vài ngày niềng răng ở một phòng khám tư không chất lượng, bác sĩ không có chứng chỉ đào tạo về chỉnh nha. Các BS cho biết, do trong quá trình chỉnh nha, đã sử dụng một lực quá mạnh để niềng răng nên dẫn đến các răng bị lung lay. Hơn nữa, bản thân BN bị viêm nha chu nhưng không phát hiện, do đó, khi tiến hành niềng răng, đã khiến răng dễ “trốc gốc” hơn. Để không mang răng giả tháo lắp, chị V. đã phải cắm lại 24 cái răng bằng kỹ thuật implant với chi phí lên đến 500 triệu đồng.
Trẻ 3 - 7 tuổi: Phòng ngừa là chính
Hiện nay, chỉnh nha bao gồm chỉnh hình răng và chỉnh hình xương. ThS-BS Lê Tấn Hùng - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM - cho biết, tuổi chỉnh răng cho trẻ thay đổi tùy thuộc vào sai hình và các giai đoạn phát triển của hệ thống sọ mặt - răng. Ưu điểm của việc chỉnh nha sớm sẽ giúp trẻ loại bỏ các thói quen xấu, góp phần vào sự phát triển xương hàm và răng một cách bình thường. Chỉnh hình nha còn giúp giảm tỷ lệ nhổ răng trong những giai đoạn điều trị chỉnh nha sau tuổi tăng trưởng, loại bỏ được phẫu thuật chỉnh hàm, tạo thuận lợi cho sự phát âm bình thường, giảm thời gian và chi phí điều trị sau này. Cụ thể, giai đoạn từ ba - bảy tuổi (trẻ có hàm răng sữa) chỉ thực hiện các biện pháp phòng ngừa là chính. Mục tiêu trong giai đoạn này nhằm ngăn ngừa thói quen xấu của trẻ như: mút tay, thở miệng do VA (bệnh vùng hầu họng) khiến răng mọc lệch lạc. Còn ở giai đoạn 7 - 10 tuổi (trẻ có hàm răng hỗn hợp, vừa răng sữa và răng vĩnh viễn), răng lệch lạc thường xuất hiện nên mục tiêu của giai đoạn này là điều chỉnh sự tăng trưởng của hệ thống sọ mặt - răng. Đặc biệt ở độ tuổi này, những trẻ bị móm do xương hàm trên kém phát triển cần phải được điều trị sớm, lý tưởng là bảy - tám tuổi. Ở giai đoạn từ 11 - 17 tuổi (giai đoạn sớm của hàm răng vĩnh viễn), việc điều trị sẽ giúp định vị răng cối hàm trên, giúp răng nanh mọc đúng.
Một số BN sau khi chỉnh nha có thể đau răng và không nên sử dụng thuốc giảm đau . Khi đeo mắc cài phải tránh ăn thực phẩm dai, cứng như: cóc, ổi, xoài, thịt gà… làm rơi mắc cài. Sau khi sử dụng thực phẩm phải vệ sinh răng sạch sẽ bằng bàn chải kẽ răng, tăm nước (máy xịt nước để rửa răng); nếu không răng sẽ bị sâu, nướu sưng phù nề. Một số BN khi chỉnh nha buộc phải nhổ răng, việc nhổ răng hay không phụ thuộc thời điểm can thiệp (can thiệp sớm hạn chế nhổ răng), phụ thuộc mức độ trầm trọng của sai hình (răng chen chúc nhiều, hàm nhỏ thì khả năng nhổ răng càng cao).
Mục đích cuối cùng của chỉnh nha nhằm đem lại gương mặt cân đối, hài hòa và chức năng nhai cho BN sau khi điều trị cũng như hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và tính thẩm mỹ của răng, hàm. Các BS đã khuyến cáo, sau khi bị các biến chứng từ chỉnh nha sai kỹ thuật, việc điều trị cho lần sau sẽ hết sức khó khăn, có trường hợp không thể hồi phục. Do đó, người bệnh phải đến các BV hoặc phòng khám chuyên khoa lớn, nơi có các BS chuyên khoa chỉnh hình răng hàm mặt uy tín để có kết quả điều trị tốt nhất.
Kết luận:
Việc định hướng chỉnh nha bằng hàm tiền chỉnh nha rõ ràng là có kết quả nhất định - chứ không phải là cải thiện hoàn toàn khớp cắn lệch lạc. Việc đeo hàm ngay từ khi răng bắt đầu lệch lạc và đúng độ tuổi sẽ thu được kết quả tốt nhất, giúp cho việc chỉnh nha bằng mắc cài sẽ thu được hiệu quả nhanh và đẹp hơn rất nhiều, ngoài ra, phụ huynh cũng lên chọn lựa phòng khám có BS chỉnh nha được đào tạo chính quy và bài bản, cũng như tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.